Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, rối loạn cương dương,yếu sinh lý, hoại thư, …
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường là do thiếu hóc môn của tuyến tụy.
Đây là một tuyến tiêu hóa lớn, không chỉ có chức năng tiết ra dịch tụy để tiêu hóa thức ăn trong ruột, mà còn bài xuất hóc môn insulin đổ vào máu để điều chỉnh lượng đường trong máu và giúp các tế bào của cơ thể sử dụng được chất đường.
Những tổn thương ở tụy làm cho nó không tiết ra được insulin sẽ gây hậu quả là đường máu tăng cao và đến mức nào đó (quá ngưỡng hấp thu lại của thận) thì lượng đường dư thừa trong máu sẽ bị đào thải qua nước tiểu gây nên bệnh tiểu đường.
Triệu chứng
Người bị bệnh tiểu đường thường có bốn triệu chứng gợi ý để nghĩ đến bệnh là: ăn nhiều – uống nhiều – tiểu nhiều và sút cân nhiều.
Lượng nước tiểu thường từ 3-4 lít hoặc hơn trong 24 giờ, nước trong, khi khô thường để lại vết bẩn hoặc mảng trắng hoặc có ruồi, kiến bâu vào nước tiểu.
Ngoài ra, người bị tiểu đường có thể bị béo phì hay gầy sút, lở loét dễ bị nhiễm trùng (mụn nhọt, bắp chuối, nhọt tổ ong…) dai dẳng, khó điều trị. Nặng hơn nữa có thể bị hôn mê, co giật do hạ đường huyết và toan hóa máu.
Điều trị
Luôn theo dõi tình trạng của bệnh, nếu thấy có những chuyển biến bất thường thì nên đến ngay bác sỹ, không nên tự điều trị.
Chế độ ăn uống hợp lý và điều độ, đủ chất Đạm – Béo – Bột – Đường – Vitamin – Muối khoáng – Nước.
Không nên thay đổi thói quan ăn uống quá nhanh và thay đổi khối lượng của các bữa ăn.
Duy trì được hoạt động thể lực bình thường hàng ngày.
Ngoài ra có thể dùng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn uống cho người tiểu đường
Theo Bác sĩ Trần Thị Hương Lan – Khoa Khám bệnh, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, người bị bệnh tiểu đường cần có một chế độ ăn hợp lý, các loại thịt chỉ nên dùng phần nạc, thực đơn hàng ngày phải kèm theo rau xanh và tập thể dục đều đặn.
Hạn chế dùng đường
Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn đường, chỉ sử dụng trong ăn uống khi nấu các món như canh chua, pha nước chấm. Hiện nay trên thị trường có bán đường dành cho người bị tiểu đường, bạn có thể dùng thay thế các loại đường thông thường.
Nên dùng các loại thịt nạc
Các loại thịt như heo, bò, cá, gà, vịt… chỉ sử dụng phần nạc trong khi nấu ăn. Bạn cũng có thể thay đổi các loại thịt này bằng lươn, chim, tép tươi, ếch, tàu hũ, trứng… để bữa ăn thêm phong phú. Khi chế biến thức ăn nên chọn dầu đậu phộng, dầu mè.
Ăn nhiều rau xanh
Rau xanh là thực phẩm cần thiết trong mỗi bữa ăn. Các loại rau như rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, khổ qua, dưa leo, củ cải trắng, đậu bắp đều phù hợp với người tiểu đường.
Trái cây
Những loại trái cây có độ ngọt ít như: dưa hấu, dâu tây, dưa lê, quả bơ, đào, bưởi, cam, đu đủ, ổi, mận, táo, thanh long… đều có thể ép nước, làm sa lát ăn trước, trong, hoặc sau mỗi bữa ăn.
Tập thể dục
Với các hoạt động vừa phải hàng ngày như làm việc nhà, đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội cũng giúp hỗ trợ đáng kể trong việc điều trị bệnh tiểu đường.
Thuoconline.net