Hầu hết, các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hiện nay đều phải tiêm insulin để thay thế hoặc bổ sung thêm lượng insulin cho cơ thể. Sự ra đời của phương pháp cấy ghép insulin được xem như một cuộc cách mạng lớn, giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.
Insulin là gì?
Insulin là một loại hoóc môn giúp đường di chuyển từ máu vào trong tế bào, nhằmkiểm soát lượng đường trong máu ở mức an toàn cho cơ thể. Insulin được tạo thành bởi các tế bào beta trong tuyến tụy. Muốn có năng lượng cho cơ thể hoạt động thì cần có glucose. Khi glucose đi vào cơ thể sẽ tiết ra chất insulin thực hiện quá trình chuyển hóa năng lượng.
Bệnh nhân tiểu đường cần phải tăng cường insulin để thay thế hoặc bổ sung thêm lượng insulin cho cơ thể. Lượng insulin thêm vào sẽ giúp ổn định đường huyết tốt hơn.
Trước đây, insulin thường được đưa vào cơ thể người bệnh bằng cánh tiêm trực tiếp. Dụng cụ tiêm insulin vào cơ thể rất đa dạng, thường là: ống tiêm U40, U100, bút tiêm, bơm tiêm là những dụng cụ sử dụng phổ biến hiện nay.
Việc tiêm insulin cũng thường gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như: tăng cân, dị ứng, hạ đường huyết (thường gặp khi tiêm insulin không đúng cách).
Phương pháp cấy ghép insulin
Thiết bị cấy ghép insulin được phát minh bởi các nhà khoa học Anh. Chúng hoạt động như một tuyến tụy nhân tạo, bằng cách giải phóng insulin vào máu. Tuyến tụy nhân tạo này có hiệu quả hơn đối với bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 1.
Thiết bịcấy ghép insulin sẽ được cấy ghép trực tiếp vào bụng bệnh nhân, nơi có thể sản sinh lượng insulin chính xác cần thiết cho cơ thể. Bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả, thiết bị này sẽ giúp làm giảm các vấn đề sức khỏe liên quan.
Thiết bị gồm một đầu chứa insulin được lưu giữ trong ngăn bởi hàng rào làm bằng chất gel. Khi lượng đường trong cơ thể người bệnh tăng lên, các chất gel hoá lỏng và giải phóng insulin vào cơ thể, giúp làm giảm hàm lượng glucose nhanh chóng. Đến lượng vừa đủ, chất gel sẽ hóa cứng một lần nữa và bảo quản túi chứa insulin như ban đầu.
Việc tạo ra phương pháp cấy ghép insulin sẽ giúp bệnh nhân không phải mất thời gian tiêm insulin bốn lần mỗi ngày như trước đây nữa. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng dễ sử dụng, giúp tiết kiệm hơn và ít gây ra đau đớn cho bệnh nhân tiểu đường.
Hiện tại, các nhà khoa học đã bắt tay vào thử nghiệm lâm sàng phương pháp này. Thử nghiệm trên người sẽ bắt đầu vào năm 2016, các nhà nghiên cứu hy vọng ca phẫu thuật cấy ghép đầu tiên sẽ diễn ra sớm nhất.